Friday , October 4 2024

Ấn vàng của Vua Minh Mạng được đưa về trưng bày ở bảo tàng tại Bắc Ninh

BẮC NINH, Việt Nam (NV) – Ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo” của Vua Minh Mạng được ghi nhận trên đường từ Pháp về Việt Nam, sau một thời gian bị công luận hoài nghi về tính thực hư.

Theo báo VNExpress hôm 18 Tháng Mười Một, thời gian cụ thể mà cổ vật về đến Việt Nam “được giữ kín vì lý do an ninh.”

Ông Nguyễn Thế Hồng, nhà sưu tập tư nhân và là chủ bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, ở tỉnh Bắc Ninh, được cho là đã chi 6.1 triệu euro ($6.6 triệu) mua ấn từ nhà đấu giá Millon của Pháp, dưới sự bảo trợ của chính phủ Việt Nam.

Dự kiến bảo tàng nêu trên sẽ lưu giữ, trưng bày ấn để “phát huy giá trị của bảo vật.”

Ông Hồng ký cam kết sẽ chỉ chuyển giao bảo vật cho cơ quan nhà nước khi ông này không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày ấn.

Nhà đấu giá Millon chào bán ấn với giá khởi điểm 2-3 triệu euro ($2.1 triệu-$3.2 triệu), hồi Tháng Mười năm ngoái.

Hãng Millon sau đó nhiều lần dời lịch đấu giá, tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng để mua lại.

Đến Tháng Mười Một năm ngoái, Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Việt Nam loan báo đàm phán thành công với hãng Millon để chuyển giao ấn về Việt Nam, “trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và quan hệ hữu nghị Việt-Pháp.”

Được biết ấn vàng của Vua Minh Mạng (1791-1841), cao 10.4 cm, nặng 10.7 kg, mặt hình vuông, kích thước 13.8×13.7 cm. Đế ấn in dòng chữ “Hoàng Đế Chi Bảo” (Báu Vật Của Hoàng Đế).

Theo cuốn “Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ,” ấn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho ngoại quốc.

Vào hôm 30 Tháng Tám, 1945, sau khi tuyên bố thoái vị, Vua Bảo Đại trao ấn “Hoàng Đế Chi Bảo” cho chính quyền mới tại Ngọ Môn.

Đến Tháng Mười Hai, 1946, Pháp tái chiếm Hà Nội, hiện vật được đem giấu tại ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô là xưởng in tiền của Việt Minh.

Ngôi nhà bị phá hủy vào năm 1947.

Hôm 28 Tháng Hai, 1952, một tiểu đoàn của Pháp đào bới móng nhà để thu gạch vỡ, phát hiện hai chiếc hòm đựng bộ ấn kiếm.

Pháp sau đó trao hai hiện vật cho Cựu Hoàng Bảo Đại, khi đó là quốc trưởng Quốc Gia Việt Nam.

Năm 1953, Vua Bảo Đại cử bà Mộng Điệp mang hai hiện vật cùng một số tư trang giao cho Hoàng Hậu Nam Phương và cựu Thái Tử Bảo Long cất giữ.

Năm 1963, Hoàng Hậu Nam Phương qua đời, hiện vật được ông Bảo Long ký gửi trong một két sắt tại Union Des Banques Européennes (Ngân Hàng Châu Âu).

Trong tập hồi ký, bà Mộng Điệp cho biết cựu hoàng muốn dùng ấn đóng vào sách để làm tăng giá trị tác phẩm. Tuy nhiên, ông Bảo Long không cho mượn.

Một tòa án tại Pháp sau đó tuyên Vua Bảo Đại được sở hữu kim ấn, ông Bảo Long giữ bảo kiếm.

Năm 1982, cựu hoàng kết hôn với bà Monique Baudot, người Pháp. Trước khi qua đời vào năm 1997, ông để lại di chúc, trao quyền thừa kế tài sản ở Pháp, bao gồm cả ấn cho vợ.

Bà Monique Baudot qua đời năm 2021. Hồi năm ngoái những người thừa kế tài sản của bà mang ấn đi bán đấu giá. (N.H.K)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *