SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Chỉ có vài trăm trong số hàng ngàn cơ sở dịch vụ thẩm mỹ ở Sài Gòn được ngành y tế thành phố thẩm định và cấp phép hoạt động.
“Thẩm mỹ ‘chui’ không mới nhưng ngày càng tinh vi nhằm né tránh cơ quan chức năng là thách thức của ngành y tế thành phố,” báo VNExpress dẫn lời ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y Tế ở Sài Gòn, cho biết tại kỳ họp thứ 10 Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố vào chiều 11 Tháng Bảy.
Theo ông Thượng, điều đáng lo ngại là hoạt động “chui” này đang có xu hướng chuyển vào các cơ sở như khách sạn, nhà trọ để né tránh cơ quan hữu trách và do những người thực hiện không có chứng chỉ hành nghề, tiến hành lén lút và gây những ra tai biến, thậm chí chết người.
Điển hình là vụ một phụ nữ, 27 tuổi, ở Cà Mau, lên Sài Gòn, thuê khách sạn ở quận 10. Một nhân viên cơ sở thẩm mỹ đã thực hiện chích dung dịch nâng ngực cho nạn nhân ngay tại đây. Sau đó, người phụ nữ này rơi vào tình trạng tím tái, mạch, huyết áp bằng không và chết.
Ngoài ra, theo ông Thượng các hoạt động quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ trên các báo đài cũng như mạng xã hội “không đúng phạm vi hoạt động.” Điều này dễ gây hiểu lầm cho nhiều người, từ đó họ sẽ sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ “chui” chưa được thẩm định.
“Ngoài ra, hoạt động hậu kiểm các thẩm mỹ viện chưa được giới hữu trách quan tâm và chú trọng đúng mức,” ông Thượng thừa nhận.
Hiện, ở Sài Gòn có hơn 7,000 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Trong số này, chỉ có gần 600 cơ sở do Bộ và Sở Y Tế cấp phép, chiếm chưa đến 15%. Số 85% còn lại do quận, huyện, thành phố Thủ Đức cấp giấy chứng nhận kinh doanh, không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định, không có bác sĩ chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ phụ trách.
Hiện nay, số lượng cơ sở theo dạng này xu hướng ngày càng tăng. Trong sáu tháng đầu năm 2023, Sở Y Tế đã phát hiện và xử phạt 19 cơ sở do ủy ban quận, huyện, thành phố Thủ Đức cấp phép mà không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và hiện tiếp tục kiểm tra, đánh giá phẩm chất các cơ sở y tế và công khai thông tin. (Tr.N) [qd]