WASHINGTON, DC (NV) – Ba lính Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) làm về tình báo – một trong ba bị cáo buộc ủng hộ gây nội chiến ở Mỹ lần thứ nhì – bị bắt trong tuần này vì tham gia vụ bạo loạn Quốc Hội hai năm trước, theo CNN hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Giêng.
Bị cáo Micah Coomer, bị cáo Joshua Abate và bị cáo Dodge Dale Hellonen có thể bị truy tố hàng loạt tội, gồm gây rối trật tự trong tòa nhà Quốc Hội.
FBI biết tới bị cáo Coomer vì anh ta đăng hình chụp anh ta bên trong tòa nhà Quốc Hội lên Instagram, theo biên bản ghi lời khai. Khi điều tra trương mục Instagram của anh ta, FBI tìm thấy nhiều tin nhắn mà anh ta gửi cho người khác, cho biết anh ta đang chờ cuộc nội chiến thứ nhì.
“Mọi thứ ở đất nước này đều thối nát. Chúng ta thực sự cần làm lại từ đầu,” bị cáo Coomer viết, theo biên bản. “Tôi đang chờ boogaloo.”
“Boogaloo là gì?” người kia hỏi.
“Cuộc nội chiến thứ nhì,” bị cáo Coomer đáp, theo hồ sơ tòa án, ý muốn nói tới lời kêu gọi mà một số nhóm cực hữu sử dụng để đòi gây nội chiến lần thứ nhì.
Về phần bị cáo Abate, khi phỏng vấn kiểm tra lý lịch, anh ta thú nhận vô tòa nhà Quốc Hội cùng hai “người bạn” trong lúc vụ bạo loạn xảy ra, theo hồ sơ tòa án. Bị cáo Abate còn cho hay, khi nhìn thấy vụ bạo loạn đang bị “mô tả tiêu cực,” anh ta quyết định không kể cho ai biết anh ta có tham gia.
Chưa người nào trong số ba bị cáo này nhận tội hay phủ nhận tội.
TQLC “có biết vụ điều tra và những cáo buộc này” và “đang hợp tác hoàn toàn với cơ quan hữu trách để hỗ trợ điều tra,” phát ngôn viên TQLC tuyên bố trong thông báo gửi CNN hôm Thứ Sáu.
Theo điều tra viên, video từ bên trong Quốc Hội cho thấy bị cáo Coomer đi tới lui trong tòa nhà này cùng hai người khác, sau đó được nhận diện là bị cáo Abate và Hellonen.
Khi đang ở trong Quốc Hội, họ đi vô khu vực mái vòm, đội chiếc mũ MAGA màu đỏ lên một trong những bức tượng ở đó rồi chụp hình với bức tượng, theo cáo trạng.
Cả ba ở bên trong tòa nhà Quốc Hội gần một giờ, theo hồ sơ tòa án.
Ngày 6 Tháng Giêng, 2021, ủng hộ viên cựu Tổng Thống Trump tấn công cảnh sát và xông vô Quốc Hội nhằm ngăn chặn thủ tục chứng nhận kết quả bầu cử năm 2020 nhưng bất thành.
Tính tới nay, khoảng 1,000 người bị bắt và truy tố liên quan vụ tấn công đó. (Th.Long)