Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – “Tôi đến lớp thanh nhạc của thầy Lê Hồng Quang đã 20 năm, từ ngày đầu cho đến bây giờ. Thầy đã hết lòng hướng dẫn tôi hát được rất nhiều bài nhạc Việt Nam. Hơn nữa, những chương trình văn nghệ của thầy hằng năm đều có nhiều sắc thái mới, nhưng không ngoài lãnh vực bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Việt.”
Đó là lời tâm sự của bà Phan Uyển Nghi, một học viên Lớp Thanh Nhạc Lê Hồng Quang, trong ngày lớp thanh nhạc tổ chức kỷ niệm sinh nhật 20 năm của lớp vào chiều Thứ Bảy, 11 Tháng Mười Một, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, thành phố Westminster.
Trong ngày này, nhiều phụ huynh và đồng hương đến dự chương trình ca nhạc chủ đề “Quê Hương Trong Lời Mẹ Hát” để chúc mừng tuổi 20 cbáo Người Việt nhắn “20 năm ấy, biết bao nhiêu tình!”
Một ngẫu nhiên đã nói lên tình thầy trò giữa nhạc sĩ Lê Hồng Quang và cô giáo Ngọc Mai, cũng là học viên của Lớp Thanh Nhạc Lê Hồng Quang. Lúc còn trong nước, bà Ngọc Mai là cô giáo tiểu học đã dạy học trò Lê Hồng Quang về bộ môn ca hát. Hơn 10 năm sau tại Little Saigon, cô giáo Ngọc Mai đã gặp được học trò cũ Lê Hồng Quang trong cương vị là người thầy dạy thanh nhạc cho mình.
Bà Ngọc Mai tâm tình: “Âm nhạc đã khiến tôi và Lê Hồng Quang trong tình thân gắn bó được bắt nguồn từ truyền thống ‘tôn sư trọng đạo.’ Nhưng, một ngẫu nhiên đã cho chúng tôi có hoàn cảnh khác biệt là, Lê Hồng Quang vừa là học trò cũ của tôi, lại vừa là thầy của tôi bây giờ. Thực tế thì tôi vẫn kính trọng thầy Quang, vì thầy đã giúp cho tôi hát được rất nhiều ca khúc tự tình quê hương và dân tộc Việt Nam một cách hoàn chỉnh hơn.”
Dạy tiếng Việt cho trẻ qua lời hát
Khán giả phần nhiều là những phụ huynh của các em thiếu nhi. Họ không ngờ con cháu của mình hát tiếng Việt thành thạo, mặc dù các em nói tiếng Việt vẫn chưa được thành thạo mấy! Có lẽ vì vậy mà những bậc phụ huynh thường cho các em đi học hát tại Lớp Thanh Nhạc Lê Hồng Quang, đây cũng là một phương pháp để cho các em học tiếng Việt một cách dễ dàng hơn. Bởi vì tập nói dễ quên, nhưng tập hát thì dễ nhớ.
Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Little Saigon đang phát triển mạnh. Vì thế, đồng hương tại nơi đây như đang sống trong linh hồn của mẹ Việt Nam. Xa quê hương, nhưng người Việt không thể từ bỏ ngôn ngữ và truyền thống của dân tộc khi sống trên xứ người.
Nhạc sĩ Lê Hồng Quang chia sẻ: “Khi đồng hương biết được tin những chương trình văn nghệ có tính cách để bảo tồn văn hóa Việt tại hải ngoại thì cứ tham gia vào để ủng hộ, đồng thời cũng hướng dẫn con cháu của chúng ta hiểu biết về phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam, để cho cộng đồng của mình càng ngày càng thêm lớn mạnh.”
Mở đầu chương trình là những tiếng hát dễ thương của các học viên thiếu nhi, gồm Lê Minh hát bài “Nhớ Ơn,” David Đỗ hát bài “Mẹ Đi Vắng,” Julienne Lee Lâm hát bài “Tìm Bạn Thân” và “Vào Rừng Hoa,” Sebastien Lee Lâm hát bài “Em Đi Chơi Thuyền,” Lê Tiến hát bài “Ba Vẫn Thương Con Như Ngày Xưa,” Lê Bách hát bài “Ôi Ba Mẹ,” Mai David hát bài “Ơn Nghĩa Sinh Thành,” Bảo Nguyễn hát bài “Bụi Phấn,” Thảo My hát bài “Mẹ Yêu Ơi,” và Nathan Lâm hát bài “Bông Hồng Cài Áo.”
Những bài hát dành cho thiếu nhi phần nhiều là những khúc hát có tiết tấu đơn giản, những lời ca mộc mạc, nhưng lại có nhiều ý nghĩa trong tình yêu quê hương, tình thương kính ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo.
Sau nhiều năm đến với nhạc sĩ Lê Hồng Quang, có một số em đã hát vững vàng những ca khúc mà những người lớn tuổi thường hát như “Ơn Nghĩa Sinh Thành” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước; “Bông Hồng Cài Áo” thơ Thiền Sư Nhất Hạnh, nhạc Phạm Thế Mỹ.
Mở đầu chương trình phần hai, nhạc sĩ Lê Hồng Quang cùng các bè nữ của Lớp Thanh Nhạc Lê Hồng Quang đồng hát bài “Mẹ Đón Cha Về,” bài này được trích từ “Trường Ca Mẹ Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy.
Nhạc sĩ Phạm Duy bắt đầu soạn “Trường Ca Mẹ Việt Nam” vào Tháng Mười Một, 1963, và hoàn tất vào Tháng Năm, 1964. Đây là trường ca thứ hai của ông, sau “Trường Ca Con Đường Cái Quan.” Và hai trường này đã làm nổi bật nhạc sĩ Phạm Duy trong làng nhạc giới về những bài trường ca để ca tụng quê hương và dân tộc Việt Nam.
“Trường Ca Mẹ Việt Nam” gồm bốn phần là “Đất Mẹ,” “Núi Mẹ,” “Sông Mẹ” và “Biển Mẹ.” Mỗi phần có nhiều bài, và tất cả trường ca gồm 21 ca khúc. Những ca khúc này cũng được các ca sĩ chọn từng bài để hát như những bài hát độc lập khác.
Nhạc sĩ Lê Hồng Quang đã chọn bài “Mẹ Đón Cha Về” là một trong những bài thuộc phần “Đất Mẹ,” bởi vì mẹ Việt Nam được biểu tượng bằng đất màu tươi tốt, đa tình, nền tảng của gia đình, ruộng nương, làng nước…
Phần “Đất Mẹ” gồm ba đoạn, chia làm năm bài: Đoạn 1 gồm hai bài “Mẹ Ta” và “Mẹ Xinh Đẹp;” đoạn 2 gồm hai bài “Mẹ Chờ Mong” và “Lúa Mẹ;” và đoạn 3 chỉ có bài “Mẹ Đón Cha Về” với những lời hát rất chân thành mộc mạc của Mẹ Việt Nam, qua thể điệu Dân Ca Bắc Bộ: “Mẹ đón cha về, duyên thề chắp nối/ Cuộc đời trôi nổi, vẫn tươi cười vì lòng vui/ Đời nghèo nhưng có đôi. Ôi Mẹ Việt Nam…”
Bài nhạc “Mẹ Đón Cha Về” với phần hòa âm của Giáo Sư Nguyễn Châu, và sự phối khí của dàn nhạc Dân Tộc.
Học viên… không chịu tốt nghiệp, gắn bó suốt 20 năm
Phần hai của chương trình là những tiếng hát của các học viên người lớn tuổi đã từng đến với Lớp Thanh Nhạc Lê Hồng Quang. Có những học viên đã 20 năm gắn bó với nhiều chương trình văn nghệ Lê Hồng Quang hằng năm. Có những tiếng hát đã được nhạc sĩ Quang tập dượt trên năm năm, và cũng có những giọng ca đã cùng với vị nhạc sĩ vài năm hay vài tháng.
Có những tiếng hát thường xuyên trong những chương trình ca nhạc này, và cũng có những người đã lâu rồi vắng bóng, nay họ đã trở lại hát trong chương trình “Kỷ Niệm 20 Năm Lớp Thanh Nhạc Lê Hồng Quang.” Phần nhiều các học viên này hát rất tốt, có người hát gần như chuyên nghiệp, nhưng đối với họ, hát là niềm vui trong cuộc sống chứ không muốn trở thành ca sĩ.
Phần này gồm có các tiếng hát: Long Cơ hát bài “Tình Ca,” Phương Loan hát bài “Lời Mẹ Ru,” Kiệt Lê hát bài “Qua Cầu Gió Bay,” Trinh Uy hát bài “Tình Nghệ Sĩ,” Nguyễn Thu Hà hát bài “Thu Quyến Rũ,” Kim Nhung hát bài “Hình Ảnh Một Buổi Chiều,” Kim Liên hát bài “Giọt Mưa Thu,” Như Phương hát bài “Làng Tôi,” Tín Lâm hát bài “Gánh Mẹ,” Phạm Ngọc Mai hát bài “Lời Ru, Bú Mớm, Nâng Niu,” Hồng Phương hát bài “Anh,” Thoại Lưu hát bài “Cám Ơn,” Thụy Cúc hát bài “Tình Hoài Hương.”
Mở đầu chương phần ba là bài “Rồi Đây Anh Sẽ Đưa Em Về Nhà” với tiếng hát Lê Hồng Quang và nhóm bè nữ.
Kế tiếp, Thanh Tâm hát bài “Người Về,” Hồng Liên hát bài “Thoi Tơ,” Muôn Hoa hát bài “Mơ Hoa,” Tâm Thường hát bài “Dạ Khúc Serenade,” Mai An hát bài “Tình Khúc Cho Em,” Lan Phương hát bài “Tình Yêu, Ôi Tình Yêu,” Nguyễn Quang Hoàng hát bài “Linh Hồn Tượng Đá,” Phượng Hoàng hát bài “Trăm Nhớ Ngàn Thương,” Quốc Việt hát bài “Giã Từ Vũ Khí,” Thanh Thủy hát bài “Thương Ai Nhớ Ai,” Huệ Lê hát bài “Thuyền Mơ,” Thu Băng hát bài “Chiều Về Trên Sông,” Ngân Hà hát bài “Tình Mẹ,” và Uyển Nghi hát bài “Mẹ Yêu Con.”
Trong 20 năm, Lớp Thanh Nhạc Lê Hồng Quang được duy trì cũng nhờ sự hỗ trợ của đồng hương và những nhà bảo trợ, gồm có ông Lê Bảo Chí (cha của nhạc sĩ Lê Hồng Quang), giáo sư âm nhạc Nguyễn Châu, Dược Sĩ Tôn Nữ Tâm Thường, nhật báo Người Việt, Final Arts, Green Card by Investment, Good Jobs Inc. Tax & Accounting, HB Music Art School, Xpress Print, Quang Tuyền Sound, BB Studio, và còn nhiều cơ sở khác. [qd]